Cúng Tất niên là dịp để tổng kết những gì đã đạt được trong công việc kinh doanh suốt một năm qua. Đây cũng là một trong những nghi lễ quan trọng, là phong tục tập quán lâu đời, nét đẹp văn hóa của người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được ý nghĩa của việc cúng Tất niên là gì? Cách chuẩn bị mâm cúng cũng như nên cúng vào ngày, giờ nào là đẹp nhất để cả năm được thuận lợi, suôn sẻ. Hiểu được điều đó, KiotViet Connect sẽ cùng bạn tìm hiểu về vấn đề này trong bài viết sau đây nhé!
1. Ý nghĩa của Tất niên
Cúng Tất niên là một nghi thức truyền thống của người Việt Nam, đánh dấu kết thúc năm cũ và chuẩn bị bước sang năm mới. Vào ngày này, mọi người thường quây quần bên nhau để tổ chức tiệc mừng, văn nghệ và tổng kết một năm đã qua. Đây là dịp để tận hưởng bầu không khí ấm áp, vui vẻ bên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp sau một năm làm việc miệt mài.
Cúng Tất niên còn thể hiện hành vi thành kính, biết ơn đối với ông bà tổ tiên vì đã phù hộ để công việc kinh doanh và cuộc sống trong năm qua diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. Theo phong tục tập quán ở mỗi vùng miền người ta sẽ làm cỗ cúng Tất niên sau đó tùy vào gia chủ có mời thêm bạn bè hay người thân đến dự cùng gia đình hay không.
2. Tất niên 2024 là ngày bao nhiêu? Ngày giờ nào tốt để cúng Tất niên 2024?
Thường thì Tất niên ở nước ta được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm tính theo lịch Âm (tức là ngày 30 tháng 12 Âm lịch, hay còn được gọi là ngày 30 Tết, một số năm thiếu thì sẽ được tổ chức vào ngày 29 tháng 12 Âm lịch (ngày 29 Tết).
Tuy nhiên có một số gia đình, doanh nghiệp tổ chức cúng Tất niên sớm hơn, có thể là ngày 25, 26, 27 hoặc 28 tháng Chạp. Nhìn chung thời gian tốt nhất để tổ chức lễ cúng Tất niên vẫn là 2 ngày cuối cùng trong năm cũ. Như vậy Tất niên 2024 sẽ rơi vào ngày 8/2/2024 (tức 29 tháng Chạp) và 9/2/2024 (tức ngày 30 tháng Chạp).
Người Việt quan niệm, ngày Tất niên có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu đó là năm đủ) hoặc là ngày 29 tháng Chạp (nếu đó là năm thiếu). Tất niên thường diễn ra vào buổi chiều hoặc buổi tối trong ngày. Sau khi cúng Tất niên xong, gia chủ có thể mời khách đến nhà để ăn cơm tất niên. Ngoài ra, tùy vào phong tục tập quán của mỗi vùng, việc cúng Tất niên có thể khác đôi chút.
Sau đây là danh sách ngày đẹp cúng Tất niên các bạn có thể tham khảo:
Ngày 26 tháng Chạp (tức 5/2/2024 dương lịch): tức ngày Kỷ Hợi, tháng Ất Sửu, năm Quý Mão. Giờ đẹp ngày 26 tháng Chạp:
- Ất Sửu (1 giờ - 3 giờ): Ngọc Đường
- Mậu Thìn (7 giờ -9 giờ): Tư Mệnh
- Canh Ngọ (11 giờ - 13 giờ): Thanh Long
- Tân Mùi (13 giờ -15 giờ): Minh Đường
- Giáp Tuất (19 giờ -21 giờ): Kim Quỹ
- Ất Hợi (21 giờ - 23 giờ): Bảo Quang
Ngày 29 tháng Chạp (tức 8/2/2024 dương lịch): tức ngày Nhâm Dần, tháng Ất Sửu, năm Quý Mão. Giờ đẹp ngày 29 tháng Chạp:
- Canh Tý (23 giờ -1 giờ): Thanh Long
- Tân Sửu (1 giờ - 3 giờ): Minh Đường
- Giáp Thìn (7 giờ - 9 giờ): Kim Quỹ
- Ất Tị (9 giờ - 11 giờ): Bảo Quang
- Đinh Mùi (13 giờ - 15 giờ): Ngọc Đường
- Canh Tuất (19 giờ - 21 giờ): Tư Mệnh
Ngày 30 tháng Chạp (tức 9/2/2024 dương lịch): tức ngày Quý Mão, tháng Ất Sửu, năm Quý Mão. Giờ đẹp ngày 30 tháng Chạp:
- Nhâm Tý (23 giờ -1 giờ): Tư Mệnh
- Giáp Dần (3 giờ - 5 giờ): Thanh Long
- Ất Mão (5 giờ - 7 giờ): Minh Đường
- Mậu Ngọ (11 giờ - 13 giờ): Kim Quỹ
- Kỷ Mùi (13 giờ -15 giờ): Bảo Quang
- Tân Dậu (17 giờ - 19 giờ): Ngọc Đường
3. Mâm cúng Tất niên cuối năm gồm những gì?
Mâm cúng Tất niên ở công ty, doanh nghiệp thường không có quy định về số lượng món hay bắt buộc là những món gì. Tùy theo điều kiện của mỗi doanh nghiệp sẽ chuẩn bị mâm cúng Tất niên như thế nào, không quá cầu kỳ nhưng cũng không thể thiếu những món như: hoa tươi, mâm ngũ quả, nhang đèn, trà rượu,...
Theo sự khác nhau về văn hóa, phong tục vùng miền, mâm Tất niên ở 3 miền sẽ thay đổi theo những đặc trưng riêng.
3.1. Mâm cúng Tất niên Miền Bắc
Đối với người miền Bắc, trong mâm cỗ cúng tất niên luôn phải đầy đủ; 4 bát, 4 đĩa (mâm cỗ nhỏ); 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa với mâm cỗ lớn. Cũng có nhà chuẩn bị mâm cỗ lớn xếp cao từ 2 đến 3 tầng.
Bốn bát gồm: Bát giò heo hầm măng lưỡi lợn, bát bóng thả, bát miến, bát mọc
Bốn đĩa của mâm cỗ gồm: đĩa giò lụa, đĩa chả quế, đĩa thịt gà, đĩa thịt heo.
3.2. Mâm cúng Tất niên Miền Trung
Mâm tất niên người Miền Trung cũng giống như người dân ở miền Bắc, miền Nam, các gia đình cũng bận rộn chuẩn bị sắm sửa làm cơm cúng tất niên. Thường trong mâm cỗ Tết miền Trung không yêu cầu số lượng 4-4, 6-6 hay 8-8 bát đĩa như ngoài miền Bắc, nhưng cũng có các món đặc sản không thể thiếu như: Giò lụa, thịt gà, thịt lợn, măng khô, miến xào.
3.3. Mâm cúng Tất niên Miền Nam
Trong khi đó, trong mâm cỗ tất niên của người miền Nam hay có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, chả giò, nem, gỏi tôm thịt… Ngoài ra, người Nam thường ưu tiên những món nguội.
Bên cạnh đó, các món ăn không thể thiếu như: Bánh tét, củ cải ngâm nước mắm, canh măng, canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, thịt lợn luộc, đĩa dưa giá, đĩa nem, đĩa chả giò và củ kiệu... để cúng ông bà tổ tiên.
4. Những lưu ý khi cúng Tất niên
Một số lưu ý khi thực hiện cúng Tất niên 2024:
- Đảm bảo rằng các lễ vật cúng được chuẩn bị kỹ càng và sạch sẽ.
- Người thực hiện nghi thức cúng cần ăn mặc lịch sự và chỉnh tề.
- Trong lúc đọc lời cúng và bài cúng, cần thể hiện sự tôn trọng và nghiêm túc, không được cười đùa.
- Sau khi hoàn thành lễ cúng và thắp nhang, cần chờ đến khi nhang cháy hết khoảng ⅔ hoặc tự tắt, sau đó hóa vàng (mã) và thả tro xuống sông hoặc suối.
- Tránh sử dụng hoa giả hoặc tiền giả trong lễ cúng Tất niên, vì điều này không phù hợp với tính tâm linh và truyền thống của nghi thức.
Cúng Tất niên là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt, thể hiện sự thành tâm và biết ơn với ông bà tổ tiên hay các vị thần linh vì đã giúp cho công việc kinh doanh thuận lợi, suôn sẻ. Trước khi cúng lễ, bạn cần chuẩn bị mâm cúng kỹ càng, không cần quá cầu kỳ nhưng không nên cẩu thả. Ăn mặc lịch sự, gọn gàng, thành tâm đọc văn khấn để tỏ lòng thành kính. Hy vọng rằng, bài viết này KiotViet Connect đã giúp bạn biết cách cúng Tất niên cũng như chọn được ngày giờ cúng tốt nhất.